Hợp tác quốc tế trong GDNN:Cơ hội và tiềm năng phát triển

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình quốc tế hoá sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu sắc, bên cạnh sự hợp tác là sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt;

việc tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu đối với các nền kinh tế; vì thế chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh và sự thành công của mỗi quốc gia.Việc mở cửa thị trường lao động tạo ra sự dịch chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi các quốc gia phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình; mặt khác, đòi hỏi người lao động phải có năng lực cạnh tranh cao. Người lao động phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề và phải có năng lực sáng tạo, có khả năng thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của công nghệ và đòi hỏi người lao động phải học tập suốt đời.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam cũng như hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn nghề nghiệp khu vực cũng như quốc tế, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là bước phát triển tất yếu nhằm mang đến cho thế hệ trẻ cơ hội được đào tạo nghề nghiệp với kỹ năng thực hành quy chuẩn theo trình độ chung của khu vực và thế giới.

Các dự án liên kết đào tạo quốc tế; trao đổi kinh nghiệm và tiêu chuẩn giáo dục nghề nghiệp; trao đổi chương trình giáo trình; trao đổi giảng viên, sinh viên; du học sinh và thực tập sinh được coi là các mô hình hợp tác quốc tế quan trọng hiện nay. Nhờ đó, các sinh viên học nghề có nhiều cơ hội được tiếp cận với trình độ cao hơn, phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như mở ra các cơ hội nghề nghiệp trong môi trường quốc tế.

Có thể nói, các trường đào tạo nghề đang đứng trước cơ hội chuyển mình quan trọng nhằm nâng cao năng lực đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như khai thác tối đa tiềm năng phát triển trong lĩnh vực hợp tác đào tạo quốc tế nhằm tạo ra nhiều hơn các cơ hội nghề nghiệp trình độ cao cho sinh viên.

HCEM và chiến lược hợp tác quốc tế: khi toàn cầu hóa trở thành cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (tên giao dịch quốc tế là Hanoi College for Electro-Mechanics) là 1 trong 45 trường đào tạo nghề chất lượng cao theo Quyết định 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các trường chất lượng cao có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao theo tiêu chuẩn ASEAN và tiêu chuẩn quốc tếđi kèm với hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn ISO.

Với chiến lượcđào tạo chất lượng cao, cung cấp các cơ hội học tập, làm việc và trải nghiệm trong môi trường quốc tế cho sinh viên, những năm gần đây, nhà trường đã không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết giáo dục với các trường và tổ chức nước ngoài. Các chương trình hợp tác quốc tế của nhà trường đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tại Nhật Bản, các chương trình du học sinh, các khóa liên kết đào tạo ngắn hạn và dài hạn nghề Công nghệ Ô tô với Trường Đại học Jeonju Vision, Hàn Quốc … Ngoài ra, nhà trường cũng cung cấp những khóa đào tạo kỹ năng nghề cho sinh viên Trường Cao đẳng ITE, Singapore và Trường Cao đẳng kỹ thuật Pakpasak, Lào. Hiện nay, trường đã có quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều quốc gia trong khu vực như: Australia, Hàn Quốc, Philipinnes, Lào, Nhật Bản, New Zealand, Bỉ … Không dừng ở đó, trong các chuyến đi tháp tùng Thủ tướng đến Australia, New Zealand, Nhật Bản và các nước trong khu vực, thầy Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các trường đại học và cao đẳng nước sở tại nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong đào tạo. Với 43 năm kinh nghiệm đào tạo cùng với tư duy đổi mới, năng động và không ngừng thay đổi, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đang ngày càng khẳng định vị trí và uy tín của nhà trường trong cả nước cũng như trong khu vực.

Các chương trình hợp tác quốc tế tại HCEM

1. Chương trình thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản:

Nhật Bản là quốc gia có nền công nghiệp và giáo dục hàng đầu trên thế giới. Trong những thập kỷ gần đây, thị trường lao động Nhật Bản đang mở rộng và chào đón nguồn nhân lực có trình độ từ các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Hiện nay, HCEM đã liên kết cùng đại diện Nhật Bản tổ chức và đào tạo sinh viên có đủ năng lực và trình độ để sang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh. Với chương trình thực tập sinh kỹ thuật này, sinh viên có cơ hội được làm việc, thực tập trong môi trường công nghiệp, tiếp cận với kỹ thuật hiện đại, học tập tính kỷ luật lao động và các kỹ năng mềm cần thiết. Ngoài ra, sau 3 năm thực tập, sinh viên có thể tích lũy cho mình khả năng giao tiếp tiếng Nhật và một khoản kinh phí nhất định để tiếp tục học tại Nhật theo chương trình du học sinh hoặc trở về Việt Nam gây dựng sự nghiệp của bản thân.

2. Chương trình trao đổi sinh viên và liên kết đào tạo nghề Công nghệ Ô tôvới Trường Đại học Vision, Hàn Quốc

Hàn Quốc đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của các du học sinh Việt Nam. Hiện nay, số lượng người Việt Nam đang làm ăn, học tập, sinh sống tại Hàn Quốc có khoảng 135 nghìn người.  Môi trường giáo dục toàn cầu và mức học phí vừa tầm là lợi thế cạnh tranh của nền giáo dục Hàn Quốc. Hiện nay, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đang xúc tiến hợp tác với Trường Đại học Jeonju Vision, Hàn Quốc  trong đào tạo ngắn hạn và dài hạn nghề Công nghệ Ô tô – cấp bằng và chứng chỉ của Đại học Jeonju Vision, Hàn Quốc. Dự kiến, lớp đào tạo ngắn hạn trong vòng 3 tháng do các chuyên gia của Trường Đại học Jeonju Vision trực tiếp giảng dạy sẽ được khai giảng vào đầu năm 2016.

3. Chương trình đào tạo kỹ năng nghề và tiếp nhận du học sinh Lào

Ngoài các chương trình hỗ trợ sinh viên HCEM có nhu cầu học tập tại nước ngoài hoặc tham gia các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, HCEM còn tiếp nhận các sinh viên và giảng viên Lào sang học tập và đào tạo kỹ năng nghề theo các khóa đào tạo dài hạn và ngắn hạn của nhà trường. Đây là kết quả của chương trình hợp tác song phương giữa HCEM và Trường Cao đẳng kỹ thuật Pakpasak, Lào. Dự kiến, tháng 9/2015, những sinh viên đầu tiên của Lào sẽ sang HCEM “du học” nghề Điện công nghiệp, trình độ cao đẳng với thời gian 3 năm.

4. Chương trình đào tạo kỹ năng nghề cho sinh viên Trường Cao đẳng ITE, Singapore

Singapore vốn nổi tiếng với nền giáo dục tiên tiến, hiện đại trên toàn thế giới và là đất nước sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ quốc gia chính thống bên cạnh tiếng Hoa và tiếng Malay. Trường Cao đẳng ITE, Singapore là trường đào tạo nghề hàng đầu của Singapore đồng thời là “đối tác” thân thiết của HCEM và cũng là “đối thủ” của HCEM trong các kỳ thi tay nghề ASEAN. Quan hệ hợp tác giữa HCEM và ITE mới được xây dựng từ năm 2014 và đã có những bước phát triển thành công ban đầu. Đánh giá cao năng lực đào tạo kỹ năng nghề của HCEM từ những cuộc thi tay nghề ASEAN, Trường Cao đẳng ITE - Singapore đã ký kết hợp tác với HCEM chương trình đào tạo kỹ năng nghề cho các sinh viên ITE. Theo đó, hàng năm, ITE sẽ gửi các sinh viên nghề Lắp đặt điện sang Việt Nam và được HCEM đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản. Chương trình đã được chính thức bắt đầu từ 8.2015 với khóa sinh viên ITE đầu tiên được đào tạo tại HCEM.

5. Chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ công nghệ KNX

KNX là công nghệ nhà thông minh, xuất xứ từ Châu Âu và có trụ sở chính tại Brussel, Bỉ. KNX hiện nay được công nhận là tiêu chuẩn nhà thông minh trên toàn thế giới. Tại nhiều nước, KNX được coi như “tôn giáo” và là tiêu chuẩn bắt buộc đối với hệ thống điện trong các tòa nhà. Tại Việt Nam, công nghệ KNX đã bắt đầu phát triển và được biết đến rộng rãi. Toàn bộ hệ thống điều khiển điện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia cũng được lắp đặt theo công nghệ KNX. Trong các cuộc thi tay nghề ASEAN cũng như thi tay nghề thế giới, công nghệ KNX là một tiêu chuẩn thi bắt buộc đối với nghề Lắp đặt điện.

Tại HCEM, với nhiều năm kinh nghiệm đào tạo sinh viên tham gia các cuộc thi tay nghề các cấp trong đó có thi tay nghề ASEAN và thế giới, nhà trường đã thỏa thuận hợp tác với KNX Association, Bỉ để thành lập Trung tâm đào tạo KNX tại HCEM (KNX Training Centre). Trung tâm KNX sẽ đào tạo các học viên có nhu cầu học tập công nghệ KNX, cấp chứng chỉ của hãng và triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ này. Hiện nay, HCEM cũng đã có giảng viên nhà trường được đào tạo và cấp chứng nhận là chuyên gia chính hãng.

6. Các chương trình khác

Ngoài các chương trình hợp tác quốc tế trên, HCEM đã và đang tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác khác như: trao đổi kinh nghiệm đào tạo quốc tế, trao đổi chương trình, giáo trình, cử giáo viên đi đào tạo tại nước ngoài, … với các đối tác từ Úc, Hàn Quốc, Philippines.

Một số hình ảnh

Thầy Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng trong chuyến tháp tùng Thủ tướng tại Nhật Bản

Đàm phán hợp tác với đại diện các trường đại học tại Nhật Bản

Gặp mặt và đàm phán hợp tác với Mr. John Qiu, giám đốc bộ phận hợp tác quốc tế của trường BoxHill Institute, Australia

Gặp mặt thân mật tại nhà riêng của Đại sứ Australia tại Việt Nam

Hợp tác với KNX Training Centre tại Kuala Lumpur, Malaysia

 

развитие малого бизнеса
строительство и ремонт